Hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên có kiến thức, kỹ năng và thái độ như sau:
* Kiến thức
Khối kiến thức giáo dục đại cương
- Hiểu rõ chủ trương, đường lối phát triển KT-XH của Đảng và Nhà nước; nhận thức được đạo đức nghề nghiệp, tính trung thực trong công việc, trách nhiệm với xã hội và bản thân, và khả năng làm việc độc lập, các kỹ năng thích ứng nhanh với công việc;
- Nắm vững các kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin; đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh; có các kiến thức cơ bản về giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
- Nắm vững kiến thức cơ bản về toán học, xác suất thống kê, đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức giáo dục chuyên nghiệp và khả năng học tập ở trình độ cao hơn;
- Nắm vững kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn, có hiểu biết thông thạo Anh ngữ và kiến thức cơ bản về tin học.
Khối kiến thức cơ sở ngành
- Có kiến thức về những nguyên lý cơ bản trong kinh tế nhằm phục vụ cho việc phân tích và giải thích các vấn đề kinh tế tầm vĩ mô và vi mô;
- Có kiến thức cơ bản về thống kê, phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực kinh doanh/quốc tế;
- Có kiến thức cơ bản về kinh tế quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu; Có khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và đàm phán với các đối tác nước ngoài;
- Có kiến thức cơ bản về luật kinh tế, kế toán, tài chính và marketing làm nền tảng cho việc tổ chức/tham gia vào các hoạt động kinh doanh nói chung.
Khối kiến thức chuyên ngành
- Hiểu được các vấn đề về luật kinh tế và thương mại quốc tế, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế (gồm xuất nhập khẩu, nhượng quyền, hợp đồng, dự án trao tay, liên doanh, sáp nhập/mua lại, đầu tư mới), nghiệp vụ thanh toán trong kinh doanh quốc tế và quản trị tài chính quốc tế;
- Hiểu các chính sách thương mại quốc tế, các hiệp định thương mại quốc tế, pháp luật và thông lệ quốc tế;
- Nhận dạng, so sánh và phân tích được các phương thức kinh doanh quốc tế và loại hình đầu tư quốc tế của công ty;
- Nhận biết và phân tích được vai trò của môi trường kinh doanh trong hoạt động kinh doanh quốc tế;
- Vận dụng được các nghiệp vụ thanh toán trong kinh doanh quốc tế, nghiệp vụ ngoại thương, hoạt động logistics, và kỹ thuật đàm phán vào hoạt động kinh doanh quốc tế;
- Xây dựng, phân tích được dự án đầu tư, ra quyết định và quản lý dự án đầu tư quốc tế, phân tích được hoạt động kinh doanh của công ty;
- Ứng dụng được kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành vào công tác nghiên cứu khoa học; và ứng dụng được các kiến thức này để theo học các ngành kinh tế khác và bậc học cao hơn.
* Kỹ năng
Kỹ năng cứng
- Thực hiện nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, và thực hiện nghiệp vụ vận tải và bảo hiểm trong ngoại thương;
- Vận dụng kiến thức khoa học tự nhiên trong nghiên cứu, khám phá và giải quyết các vấn đề kinh tế/kinh doanh.
- Xây dựng và triển khai thực hiện, kiểm soát, và hoạch định chiến lược kinh doanh (quốc tế) trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp/công ty có vốn đầu tư nước ngoài;
- Tự thu thập, phân tích và xử lý thông tin, nghiên cứu thị trường và đề xuất các giải pháp/chính sách ngoại thương;
- Vận dụng kiến thức về luật thương mại quốc tế và đầu tư, pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu để xây dựng và thực thi các chính sách và chiến lược kinh doanh của công ty;
- Vận dụng kiến thức về thương mại điện tử phục vụ cho hoạt động kinh doanh quốc tế;
Kỹ năng mềm
- Có khả năng giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh; có khả năng sử dụng thành thạo tin học văn phòng;
- Có kỹ năng giao tiếp tốt như xác định các tình huống giao tiếp, giải thích một chiến lược giao tiếp; thực hiện được bài thuyết trình bằng điện tử, sử dụng các hình thức giao tiếp điện tử khác nhau (thư điện tử, trang web, hội thảo online.) Có khả năng chuẩn bị thuyết trình và phương tiện hỗ trợ với ngôn ngữ, phong cách, thời gian, và cấu trúc phù hợp; sử dụng các phương tiện giao tiếp không lời có hiệu quả (cử chỉ, ánh mắt, tư thế); lựa chọn trả lời các câu hỏi một cách phù hợp và hiệu quả.
- Có khả năng làm việc theo nhóm hiệu quả:
- Hiểu được các giai đoạn của việc thành lập nhóm; tóm tắt nhiệm vụ và các quy trình hoạt động nhóm; xác định các vai trò và trách nhiệm của các thành viên trong nhóm; giải thích các mục tiêu, nhu cầu, và đặc tính (cách làm việc, sự khác biệt về văn hóa) của từng cá nhân thành viên trong nhóm; làm rõ các điểm mạnh và điểm yếu của nhóm; chỉ ra các quy tắc liên quan đến tính bảo mật, bổn phận của từng thành viên trong nhóm;
- Khái quát các mục tiêu và công việc cần làm, đưa ra kế hoạch và tạo điều kiện cho các cuộc họp nhóm có hiệu quả; xác định các nguyên tắc của nhóm, lập kế hoạch, lên chương trình và thực hiện một đề án, đưa ra các giải pháp cho các vấn đề (tính sáng tạo và đưa ra quyết định), làm việc tốt trong nhiều loại nhóm khác nhau (nhóm trong ngành, liên ngành, …).
* Thái độ
- Thể hiện ý thức và tinh thần trách nhiệm công dân, có phẩm chất chính trị đạo đức, có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp, biết xem xét và chấp nhận các quan điểm khác nhau;
- Thể hiện sự tự tin, lòng nhiệt tình, niềm đam mê, sự thích nghi đối với sự thay đổi, thể hiện sự tôn trọng và ý thức chấp hành sự phân công, điều động trong công việc của người quản lý;
- Thể hiện đúng đạo đức nghề nghiệp của ngành nghề mình theo đuổi, nhận thức được vị trí, vai trò tầm quan trọng của các tiêu chuẩn và nguyên tắc về đạo đức của mình, có thái độ đúng mực với những sai lầm của mình;
- Luôn xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp trong công việc và ứng xử hàng ngày tạo một phong cách làm việc chuyên nghiệp. Phương pháp và phong cách làm việc khoa học, có thái độ cầu tiến và vượt khó, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, có khả năng phân tích và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác.
- Chủ động lên kế hoạch phát triển nghề nghiệp cho bản thân.
- Luôn luôn cập nhật thông tin trong lĩnh vực chuyên ngành của mình để có thái độ ứng xử cũng như xử lý những thay đổi, cập nhật mới một cách phù hợp, hiệu quả.